Trang chủ » Buông Xả

Buông Xả

by Khánh Cường
637 views

Càng buông xả thì ta càng thấy nhẹ nhõm và bình an hơn, hoàn toàn khác với thói quen càng tích góp thì càng lo lắng và mệt mỏi.

Tiện nghi vật chất

Một hôm, trong lúc Đức Phật đang ngồi tĩnh tọa trong rừng cùng với các vị thầy xuất gia, bỗng có một bác nông dân hối hả chạy tới hỏi dồn: “Các thầy tu ơi, các thầy thấy đàn bò mười hai con của tôi đi ngang qua đây không?”. Đức Phật từ tốn đáp :”Chúng tôi ngồi đây từ trưa tới giờ nhưng không thấy con bò nào đi ngang qua cả. Đâu bác thử tìm phía bên kia xem”. Bác nông dân thất vọng, vừa quay đi vừa dậm chân than khóc: “Trời ơi, mới thất bát mấy sào mè, bây giờ mà mất luôn cả đàn bò thì tiêu tan sự nghiệp. Làm sao tôi sống nổi đây!”. Đơi bác nông dân đi khuất, Đức Phật nhìn sang các học trò rồi khẽ nói: “Chúng ta đâu có con bò nào để mất, phải không?”.

Đức Phật đang nhắc nhở các học trò là mình đang sống trong một điều kiện rất thuận lợi để phát triển tâm linh. Một môi trường không bị khuấy nhiễu bởi những thành, bại, được, mất, khen, chê thì hãy cố gắng trân quý, giữ gìn. Không thành công trong những điều kiện tâm linh như thế là một lỗi lớn, vì các vị xuất gia ấy luôn được sự hỗ trợ của bá tánh từ thực phẩm, thuốc men, y phục, đến cả niềm tin yêu nữa. Không phải họ không đủ khả năng để tự nuôi sống bản thân, chỉ vì họ muốn dành hết thời gian và năng lực để tập trung phát triển thiền định để đạt tới hiểu biết và tình thương rộng lớn. Vả lại, tránh xa thế giới vật chất để dập tắt sự hưởng thụ và không tự tạo ra vật chất để nhún mình trước kẻ khác khi xin ăn, là một công phu luyện tập rất quan trọng. Ý niệm về “tôi” và cái “của tôi” luôn được soi thủng, thay vào đó là sự giác ngộ về tính liên kết chập chùng giữa vạn vật trên thế gian này trong bản thể vô ngã, để từ đó có thể yêu thương hết muôn loài.

Buông xả vật chất cũng chỉ là một phần trong hành trang của một vị thầy tâm linh, nhưng đó cũng là một hành động rất can đảm. Nhìn lại, ta thấy mình luôn có thói quen bám chặt vào vật chất, ngay cả những vật dụng thông thường, chứ đừng nói chi đến những tiện nghi cao cấp, nhất là trong thời đại bây giờ con người đã phải dựa dẫm vào máy móc rất nhiều. Giả sử ta phải tắt điện thoại hay không lên mạng vài ngày thì ta cảm thấy thế nào? Hoặc ta đã quen ngồi xe hơi có máy lạnh và tránh được bụi bặm, nhưng vì lý do gì đó phải dùng xe buýt thì ta có thấy khó chịu không? Hoặc ta đang sống rất thoải mái, bỗng dưng bị mất việc nên mọi chi tiêu đều phải dè dặt thì ta có thấy bình thường không? Dĩ nhiên, rồi ta cũng sẽ quen với cách sống thiếu thốn, nếu hoàn cảnh bắt buộc. Song, lên núi bao giờ cũng khó hơn xuống núi. Từ giã cảm xúc tốt để chấp nhận cảm xúc xấu phải cần tới thái độ đúng đắn và ý chí vững vàng mới làm nổi.

Và khi ta đã thích nghi được lối sống ít hưởng thu, ta bỗng thấy không gian của mình thật rộng lớn, ta có nhiều thời gian và cảm hứng để nhìn sâu vào mọi đối tượng hay mọi vấn đề đang xảy ra, ta cảm nhận được nguồn năng lượng trong ta không còn bị phân tán như trước kia nữa. Dù bất đắc dĩ phải sống trong điều kiện ấy, nhưng khi trải nghiệm một thời gian thì ta cũng nhìn nhận rằng, cuộc sống còn có những điều hết sức mầu nhiệm và ta chỉ tiếp xúc được với những giá trị ấy khi ta dám tránh xa ánh hào quang hấp dẫn của vật chất. Đúng là tự thân của vật chất chẳng có tội tình gì, nhưng năng lực hấp dẫn của nó có khả năng đánh thức lòng tham của con người và rút mòn sinh lực. Biết bao bi kịch xảy ra xưa nay cũng từ uy lực của vật chất. Cho nên các bậc thánh hiền luôn tự đặt mình vào nếp sống “tam thường bất túc”, tức là ba nhu cầu sinh hoạt căn bản nhất của con người là ăn, mặc và ngủ không cho đầy đủ, để dồn năng lượng về phía tài năng và đức hạnh. Nếu ta cứ loay hoay mãi với cái tầm thường thì sẽ lạc mất cái phi thường.

Dù không có ý muốn trở thành bậc thánh hiền thì ta cũng nên học tập lối sống trí thức ấy để nâng cao phẩm chất đời sống tâm hồn. Có khi con thuyền của ta không tiến về phía trước được vì nó đã quá nặng nề, đầy khắm. Ta không thể chất thêm bất cứ thùng hàng nào lên nữa. Ngược lại, muốn giải cứu nó thì ta phải can đảm thảy bớt vài thùng hàng to lớn xuống biển, dù những thùng hàng ấy rất quý giá. Buông xả chỉ trở thành phép thực tập bổ ích khi nó đứng giữa sự tranh đấu của thói quen yêu thích và thái độ không bám víu, chứ không phải vì ta khkông cần nữa nên mới buông xả. Điều kỳ lạ là càng buông xả thì ta càng thấy nhẹ nhõm và bình an hơn, hoàn toàn khác với thói quen càng tích góp thì càng lo lắng, mệt mỏi. Hơn nữa, chung quanh còn biết bao người khốn khó, nên ta cần buông xả bớt tài sản của mình để thể hiện tình nhân ái; thiết nghĩ điều đó cũng không có gì quá khả năng hay cao cả, vì chẳng phải ta luôn nương tựa nhau để tồn tại hay sao?

Buông xả tinh thần

Người ta thường dễ thấy sự hấp dẫn của tiện nghi vật chất, nhưng lại ít phát hiện ra sức “gây nghiện” của tiện nghi tinh thần. Chắc không ít lần ta đã lái xe hàng chục cây số đến nhà một người bạn chỉ để mong họ công nhận tác phẩm của mình, cũng tức là công nhận tài năng của mình. Rồi khi ta bị người ấy thẳng thắn chê bai, hay chỉ trích lỗi lầm thì ta dễ dàng chán nản và muốn buông xuôi tất cả. Cũng có khi ta lại tìm mọi phương cách, kể cả những mánh khóe hay kỹ xảo giả tạo, để được mọi người chú ý và khen ngợi. Và rồi bỗng dưng bị kẻ xấu đặt điều vu khống trên báo chí, hay phanh phui những chuyện đời tư thì ta dễ dàng điên tiết lên và quyết định phải trả đũa. Lẽ dĩ nhiên, ta sẽ cho rằng tất cả những phản ứng này thật bình thường, đó là bản năng tự vệ của con người. Nhưng vì con người luôn muốn vươn mình lên cao hơn những sinh vật khác để có được bình an, hạnh phúc và thảnh thơi vững bền, nên con người đành phải cố gắng chuyển hoá những hạn chế tất yếu vốn làm hư hại đến mục đích cao cả của mình.

Công nhận, khen ngợi, kính trọng hay thương yêu đều đem tới cảm xúc rất tốt, ai mà không thích. Nhưng nếu ta thích nó thì cũng tức là ta không thích những thứ tạo ra cảm xúc xấu như phủ nhận, chê bai, khinh miệt hay ghét bỏ. Ta cũng đã nghiệm ra được ít nhiều về bản chất của cuộc sống: nó biến chuyển không ngừng và có khi thật bất ngờ; vây nên ta không thể cố gắng nắm bắt những thứ mình thích và ra sức chống đối lại những thứ mình không thích khi nó ở ngoài ta. Trong quá khứ, ta đã tiêu tốn quá nhiều năng lượng và để cho tâm hồn mình xuống cấp trầm trọng chỉ vì không chống chọi nổi cơn khát cảm xúc “tôn trọng”. Như ta mở lòng muốn giúp đỡ người kia, nhưng bị dội ngay lại bởi thái độ bất cần hay vô phép của họ. Ta cần kẻ ấy phải trao lại một thứ gì đó thì ta mới chịu giúp đỡ. Nhưng nếu ta buông xả được đòi hỏi nhỏ nhen ấy, dọn sạch những điều kiện thỏa mãn cái tôi, để chỉ một lòng hướng tới giúp đỡ thì sự hiến tặng ấy mới là hiến tặng thực sự. Người cho và người nhận đều được lợi ích. Đặc biệt, một khi đã buông xả được tâm tham cầu, ta sẽ bước lên một cung bậc cao hơn của tâm thức.

Cũng như khi người kia xúc phạm, làm ta tổn thương, tức là họ nợ ta một cảm xúc xấu. Theo “quy luật cân bằng cảm xúc” thì người ấy phải chấp nhận bị ta trả lại một cảm xúc xấu bằng một hành động tương xứng nào đó. Nhưng lỡ ta ra tay mạnh hơn, hoặc người kia bị tổn thương nhiều hơn, họ sẽ phản công để đòi lại cảm xúc công bằng hay có thể hơn thế nữa. Nếu ta kịp thời nhận ra cuộc chiến đang leo thang, cả hai đều đang chịu tổn thất nặng nề, nên ta quyết định dừng lại, ta chấp nhận buông xả, chấp nhận thua thiệt, cũng tức là ta đã chấp nhận “biếu không” cho kẻ ấy món nợ cảm xúc. Điều thú vị không ngờ là vũ trụ sẽ đứng ra giải quyết. Vũ trụ sẽ rút lại năng lượng của kẻ ấy và chuyển thành năng lượng khác bù đắp lại cho ta. Gieo nhân nào gặt quả ấy chính là nguyên tắc điều hợp xưa nay của vũ trụ, không ai có thể thoát khỏi.

Đáng được nể trọng nhưng ta không thấy tự hào vì ý thức được ai cũng có những cái hay cái đẹp; đáng được khen ngợi nhưng ta luôn ý thức thành quả này là nhờ sự trợ giúp của rất nhiều bàn tay nên luôn nhún nhường; đáng được thương yêu mà ta luôn ý thức đây là sự may mắn nên cố gắng giới hạn sự đòi hỏi và chiếm hữu. Tự biết giới hạn mình trước mọi sự hưởng thụ dù sự hưởng thụ ấy xứng đáng với những cống hiến của mình thì đó là bậc trí. Thật ra những gì ta đã buông xả sẽ không bao giờ mất. Dù ta không chủ ý, nhưng theo nguyên tắc tự nhiên thì ta sẽ được đền bù bằng cách này hay cách khác. Huống chi, khi thực tập buông xả, ta phóng thích được những năng lượng xấu đang tàn phá trong tâm, ta bảo vệ được những hạt mầm thánh thiện, ta giữ được cơ chế tâm thức của mình luôn vận hành thuận chiều vũ trụ, ta xóa bỏ được ranh giới chia cắt phân biệt hay đối nghịch giữa những cá thể với nhau, thì sự tồn tại của ta giữa cuộc đời này chắc chắn sẽ được an ổn lâu dài.

Nhưng ta nên nhớ, buông xả tiện nghi vật chất đã khó thì buông xả tiện nghi tinh thần sẽ khó hơn gấp trăm ngàn lần. Tuy nhiên, cái nào khó mà ta buông xả được thì ta sẽ nhận lại khoảng không gian thênh thang trong tâm hồn. Để có thể làm được những điều ấy, ta phải thực tập buông xả từ những cố chấp hay toan tính nhỏ nhen luôn xảy ra trong đời sống. Tập theo dõi tâm mình một cách tự nhiên, khách quan mà không áp đặt nó phải thành công liền. Dù ta biết mình chưa thật sự buông xả, nhưng thấu rõ nguyên do và không ngừng quan sát tiến trình ấy thì thế nào ta cũng có ngày thật sự vượt qua được nó.

Cho nên buông xả những tiện nghi tinh thần cũng chính là thả những “con bò” yêu quý của ta. Những “con bò” này không có hình tướng rõ ràng nên đôi khi ta không nhìn thấy và tưởng mình đã hoàn toàn vô sản. Vì vậy, ta cần phải nhờ những người thân tín, hay sức mạnh đoàn thể soi sáng, để ta biết mình đang mắc kẹt vì những “con bò” nào. Nếu có mười hai con bò thì ta sẽ có mười hai nỗi lo; nếu có năm con bò thì ta có năm nỗi lo; nếu chỉ có một con bò thì ta chỉ có một nỗi lo. Tất nhiên, ta chỉ chấp nhận phép “loại trừ” này khi ta đang đứng trước sự chọn lựa giữa thói quen hưởng thụ và buông xả để được thảnh thơi, khi ta thật sự muốn phát triển đời sống tâm hồn. Và tùy vào sự khôn ngoan và bản lĩnh của mỗi người mà ta quyết định chọn cho mình con đường nào. Nếu ta đã quyết định thực tập buông xả cảm xúc tốt và đón nhận cảm xúc xấu thì tức là ta đã chính thức bước lên con đường của những bậc thánh, bậc hùng dù biết rằng đường hãy còn xa.

Bận lòng chi nắm bắt
Trăm năm nữa còn không
Xin về làm mây trắng
Nhẹ nhàng trôi thong dong.

 

Minh Niệm

5/5 - (5 bình chọn)

Bài viết liên quan