“Kinh Pháp Cú là cuốn Kinh chọn lọc những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế.
Xem thêm:
Thân thọ tâm pháp là một
Người có tâm
Suốt trong 45 năm thuyết pháp, Đức Phật đã nói rất nhiều Pháp ngữ, bao gồm nghĩa lý thâm khiết để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh mà đưa họ đến Niết – bàn an lạc. (Lời Phật dạy” (Kinh Pháp Cú – Dhammapada), Thích Thiện Siêu dịch, NXB Tôn giáo, 2000).
Sau đây, chúng tôi sẽ trích đăng một số câu trong kinh Pháp Cú (Phẩm Ngàn) do Đại Đức Thích Phước Tiến – Uỷ viên Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN – HCM, Phó Ban văn hoá GHPGVN – HCM, Trụ trì Tu viện Tường Vân giảng giải nhân các thời khoá Sám hối tại tu viện. Từ những lời dạy trong kinh Pháp Cú, người Phật tử có thể ứng dụng vào đời sống sinh hoạt hằng ngày và tu tập, nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho tự thân và gia đình.
100. Tụng kinh đến ngàn câu vô nghĩa chẳng bằng một câu có nghĩa lý, nghe xong tâm liền tịch tịnh.
101. Tụng đến ngàn câu kệ vô nghĩa, chẳng bằng một câu kệ có nghĩa lý, nghe xong tâm liền tịch tịnh.
102. Tụng đến trăm câu kệ vô nghĩa chẳng bằng một Pháp cú, nghe xong tâm liền tịch tịnh.
103. Thắng ngàn quân giặc ở chiến trường chẳng bằng tự thắng. Người tự thắng là chiến sĩ oanh liệt nhất.
104. Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác. Muốn thắng mình phải luôn luôn tiết chế lòng tham dục.
105. Dù là Thiên thần, Càn – that – bà, Ma vương, hay Phạm thiên, không một ai chẳng thất bại trước người đã tự thắng.
106. Mỗi tháng bỏ ra hàng ngàn vàng để sắm vật hy sinh tế tự cả đến trăm năm, chẳng bằng giây lát cúng dương bậc chân tu; cúng dương bậc chân tu trong giây lát thắng hơn tế tự quỉ thần cả trăm năm.
107: Cả trăm năm ở tại rừng sâu thờ lửa, chẳng bằng trong giây lát cùng dường bậc chân tu, cúng dường bậc chân tu trong giây lát thắng hơn thờ lửa cả trăm năm.
108: Suốt năm cúng dường để cầu phước, công đức chẳng bằng một phần tư sự kính lễ bậc chánh trực, chánh giác.
109: Thường hoan hỷ tôn trọng, kính lễ bậc trưởng lão thì được tăng trưởng bốn điều: sống lâu, đẹp đẽ, vui vẻ, khỏe mạnh.
110. Sống trăm năm mà phá giới, không tu thiền, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà trì giới, tu thiền định.
111. Sống trăm năm mà thiếu trí tuệ, không tu thiền, chẳng bằng sổng chỉ một ngày mà đủ trí tuệ, tu thiền định.
112. Sống trăm năm mà giải đải không tinh tấn, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà hăng hái tinh cần.
113. Sống trăm năm mà không thấy pháp vô thường sanh diệt, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà được thấy pháp sinh diệt vô thường.
114. Sống trăm năm mà không thấy đạo tịch tịnh vô vi, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà thấy đạo vô vi tịch tịnh.
115. Sống trăm năm mà không thấy pháp tối thượng, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà thấy pháp tối thượng.
Nội dung của ba câu từ 100 đến 102 gần giống nhau. Đó là khi con người đọc tụng các kinh mê tín, không thuộc đại tạng kinh điển Phật giáo hay đọc những cuốn tiểu thuyết ủy mị thì thật là đáng thương. Bởi vì họ đã bỏ thời gian vô ích mà không đem lại lợi lạc gì. Ngược lại, một lời kinh, tiếng kệ nhưng có nghĩa lý thì cũng như dòng nước mát xoa dịu khổ đau, giúp con người vượt qua những chướng ngại trên đường đời, tịnh tiến trên con đường tu học. Bậc Tổ Sư Long Tượng siêu việt nhất trong lịch sử Thiền tông Trung Hoa, đó là Lục Tổ Huệ Năng nhờ một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn mà hoát nhiên chứng ngộ. Hay như ngài Chí Thường nhờ câu “tức tâm tức Phật” của Mã Tổ mà ngộ đạo.
Ở câu thứ 103: “Thắng ngàn quân giặc ở chiến trường chẳng bằng tự thắng. Người tự thắng là chiến sĩ oanh liệt nhất.” Một Từ Hải oai phong lẫm liệt nhưng chết đứng giữa trận tiền vì nghe lời nàng Kiều. Một Lữ Bố chiến thắng ngàn quân của cha con Đổng Trác nhưng lại chết dưới tay nàng Điêu Thuyền xinh đẹp. Chữ tình là một trong những cửa ải lớn nhất mà con người không đủ sức vượt qua. Bởi tập khí tham ái, si mê, nóng giận của con người quá sâu dày, vượt qua được những cám dỗ của chính mình, chiến thắng được chính mình quả thật khó vô cùng.
Để giải thích cho câu kinh 104 này, Đại Đức lấy một ví dụ trong phim Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Cả ba vị đại đệ tử của Đường Tăng đều cùng ăn trái nhân sâm nhưng Tôn Ngộ Không và Sa Tăng thì ăn từ tốn, nhâm nhi còn Bát Giới lại nuốt trọng nguyên cả trái. Vì thế, Bát Giới đâu có cảm nhận được vị ngon của trái nhân sâm. Cũng vậy, nhiều người với lòng tham dục tài, sắc, danh, thực, thùy, không bao giờ biết đủ thì suốt đời là nô lệ cho những thứ trên. Ngược lại, một người hài lòng với những gì mình đang có là người luôn cảm thấy hạnh phúc, thảnh thơi. Đó cũng là sự tiết chế lòng tham dục. Khi đó, chúng ta cũng đã tự thắng chính mình vậy.
Câu 105: Thiên thần là chỉ cho cõi Chư thiên, Càn thát bà là vị thần âm nhạc ở cõi Trời. Các vị Ma vương, Phạm thiên vương thuộc về Tha hóa tự tại (một trong 6 cõi trời). Chư thiên ở cõi này còn nằm trong chi phối của tham dục, vẫn phải tái sinh sau khi thọ hưởng hết phước báu. Trong lịch sử Đức Phật, vào đêm cuối cùng trước khi Ngài thành đạo trước cội bồ đề cũng phải trải qua những giai đoạn tự thắng lấy mình. Đặc biệt hình ảnh do ma hiện ra là Da Du Đà La – người vợ khi Đức Phật còn là Thái tử là một trong những cửa ải khó khăn nhất. Có thể nói, con người ta có thể chiến thắng những ác duyên nhưng lại khó vượt qua những tình cảm đời thường, vì nó thuộc về lương tâm. Nói tóm lại, nếu một người đã tự thắng mình thì dù Chư thiên, Càn – that – bà, Ma vương, hay Phạm thiên có năng lực thần thông đến đâu đi nữa cũng không thể chiến thắng.
Câu 106 giúp chúng ta thoát khỏi những mê tín, tà kiến. Trong phim tư liệu Phật giáo Phật Quốc Ký Sự, Đại Đức Thích Phước Tiến có nói đến chi tiết những người dân Ấn Độ mỗi lần tế tự, họ đem từng chậu, từng phi sữa lớn đổ xuống dòng sông linh thiêng trong khi dân chúng Ân Độ nhiều người đang đói khát. Đó là minh chứng rõ nhất cho câu 106. Nhiều người có phước báu nên mới giàu có, đầy đủ lại nghĩ rằng nhờ mình đến cúng kiếng ông thần, ông thánh nào đó. Vì thế, họ ra sức cúng tế trong khi lại dè sẻn, keo kiệt với người nghèo khó. Ngược lại cúng dường bậc chân tu trong giây lát thắng hơn tế tự quỉ thần cả trăm năm. Trong cổ tích Việt Nam, những cô tiên, ông Bụt, Đức Phật đều hóa thân dưới hình dáng những người nghèo khổ, tật nguyền. Đây là một giáo dục rất đẹp của văn hóa Việt Nam kết hợp với đạo Phật. Nhờ đó, con người từ thưở nhỏ đã được nuôi dưỡng lòng yêu thương và trân trọng những người còn khiếm khuyết về hình thể và nghèo khổ. Họ biết san sẻ đến những mảnh đời khó khăn trên. Đây là hành động rất có ý nghĩa. Cúng dường bậc chân tu thật sự hay giúp đỡ những con người bất hạnh, khổ đau là việc làm phước báu vô lượng vậy.
Câu 107: Trong câu này, Đức Phật nhắc đến một tín ngưỡng có trước thời kỳ Đức Phật – Thờ thần Lửa. Thời kỳ nguyên thủy, khi loài người thấy các mảnh đá va chạm vào nhau, sanh ra lửa và tạo nên những đám cháy rừng dữ dội. Họ không giải thích được nguyên nhân nên cho rằng do một vị thần thánh nào đó tạo nên. Vì thế, tín ngưỡng thờ thần Lửa mới xuất hiện. Theo “Lược sử Phật giáo Ấn Độ” của Hòa Thượng Thanh Kiểm thời Đức Phật có 96 phái ngoại đạo, rất phức tạp. Đạo thờ Lửa là một đạo phổ biến ở Ấn Độ thời đó. Đức Phật xem nó là mê tín, tà đạo, không đem lại lợi ích cho con người. Trong lịch sử Phật giáo, Đức Như Lai đã độ cho ba anh em thờ Thần Lửa là Uruvela Kassapa, Nadi Kassapa và Gaya Kassapa, đồng thời cả 1000 đệ tử của ba anh em họ cũng xin xuất gia theo Phật. Như vậy, câu này cũng có nghĩa gần giống với câu 107 mà Đại Đức Thích Phước Tiến đã giảng tại Lễ sám hối ngày 09/04/2013. Người cúng dường bậc chân tu dù chỉ trong giây lát cũng tạo được phước đức còn hơn là người suốt đời thờ vị thần Lửa không có thật.
Câu 108: Câu này dễ khiến chúng ta bị dính mắc trong chữ “cúng dường” . Ở đây, Đức Phật muốn nói đến một người suốt năm cúng dường cầu khỏe mạnh, giàu sang, bình an… tức là cầu phước đức hữu lậu nhơn thiên. Thế nhưng, dù một người được sanh thiên hưởng dục lạc thì phải nằm trong luân hồi tái sanh. Những người cúng dường cầu phước báu như thế công đức chẳng bằng ¼ người “tự sự kính lễ bậc chánh trực, chánh giác”. Ở đây, Bậc chánh trực, chánh giác theo Phật giáo Nguyên thủy là chỉ cho A La Hán Chánh Đẳng Giác còn theo Bắc tông Phật giáo có nghĩa là Phật. Tóm lại, câu này muốn nói người học Phật, tu Phật nếu chỉ mong bình an, phước báu hữu lậu vì nó sẽ là rào cản với phước báu vô lậu. Đây là chướng ngại trên con đường tìm cầu giải thoát vậy.
Câu 109: Câu này mới nghe chúng ta thấy hơi khiêng cưỡng và đi ngược với luật nhân quả. Thực tế, câu này mang tính chất giáo dục nhiều hơn, còn phước báu của chúng ta có được đều là do những gì mà mình gieo trồng được từ nhiều đời nhiều kiếp. Câu này có thể hiểu là khi chúng ta tôn kính bậc cao tăng, phúc đức ấy sẽ giúp chúng ta được sống lâu. Cúng dường hoa thơm, tôn trọng bậc trưởng lão đạo cao đức trọng là những điều giúp chúng ta có dung mạo tốt đẹp cả về đức hạnh lẫn bề ngoài. Nối tiếp ý đó, một người làm việc tốt, có đạo đức, lạc quan thì sẽ sống khỏe mạnh, vui vẻ hơn.
Câu 110: Giá trị đời người không lệ thuộc vào việc họ sống bao nhiêu tuổi mà là người đó sống có lợi ích gì cho cuộc đời. Chốn trần lao này, nghiệp chướng chúng sinh gieo tạo quá nhiều, con người muốn chiến thắng tham sân si là điều không dễ. Nhờ học Phật, chúng ta mới biết hành động nào là sai lầm. Ở câu này, Đức Phật nhắc đến giới, thiền là nền tảng tam vô lậu học (giới, định, tuệ). Trong đó, giới gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Thiền là định, tu thiền là làm cho tâm mình định tĩnh lại. Vì thế, nếu sống trăm năm mà phá giới, không biết tu tập thì chẳng đem lại lợi ích gì cho chính bản thân mình. Trong khi đó, một người sống dù chỉ một ngày mà biết giữ giới, tu Thiền, làm những điều có ích cho cộng đồng xã hội thì đã quá tuyệt vời rồi.
Câu 111: Ở câu này, trí tuệ không phải để chỉ những hiểu biết thông thường. Hiểu theo giáo lý nhà Phật, một người có trí tuệ phải thấu đạt được chân lý trong cuộc đời, không bị những dính mắc tham sân si, dục lạc cột trói. Câu này và câu 112 cũng có ý tương tự như câu 110.
Câu 113, 114, 115: Ngài chỉ ra cuộc đời này là vô thường và đó là quy luật. Một người khi đã thấy được pháp vô thường sanh diệt là thấy được chân lý duyên khởi, cũng có nghĩa là giác ngộ rồi.
Tổng hợp: P2C Group
Theo Phật Pháp Ứng Dụng