Theo lịch sinh hoạt hằng tháng của đạo tràng chùa Minh Đạo (quận 3, Tp. HCM) khoá lễ sám hối Hồng Danh được tổ chức vào ngày 22/3/2016 (nhằm 14/2 âm lịch) và thời pháp thoại nhằm giúp người Phật tử học hỏi giáo lý. Thời pháp thoại này, TT. Thích Thiện Thuận đã thuyết giảng chủ đề “Phật hoá gia đình”.
Để giúp chư Tăng Ni hoằng hoá chánh pháp, người Phật tử tại gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc hộ trì. Phật tử tại gia trước hết phải thọ trì Tam quy, Ngũ giới rồi hướng người thân của mình đến đời sống đạo đức Phật giáo. Một gia đình bắt đầu từ khi 2 trái tim hòa cùng nhịp đập, đi cùng con đường xây dựng hạnh phúc. Ngày nay, việc tổ chức đám cưới tại chùa khá phổ biến, được gọi là Lễ Hằng thuận. Nghi thức này bắt đầu cho một cuộc sống mới và đôi bạn trẻ luôn được Quý Thầy Cô nhắc nhở hướng dẫn về cách sống đạo đức trọn vẹn trong gia đình và ngoài xã hội. Đầu tiên, người Phật tử phải giữ 5 giới trọn vẹn vì đây là nền tảng xây dựng một đời sống đạo đức và là căn bản của tất cả các giới khác (Thập thiện, Bồ-tát giới tại gia,…). Chúng ta phải chọn một pháp môn thích hợp để hành trì suốt cuộc đời qua thời khóa công phu hàng ngày liên tục bằng niềm kính tin Tam bảo tuyệt đối. Khi chúng ta phát tâm tu tập chân thật sẽ đem lại lợi ích chuyển hoá 3 nghiệp thanh tịnh, đó là tạo được công đức cho mình và có thể khuyến khích được người thân trong gia đình phát nguyện cùng tu tập. Người Phật tử phải thể hiện giáo lý đạo Phật trong đời sống hàng ngày, nếu không, những tập khí tham lam, nóng nảy, ngã chấp bùng phát thì vô tình chúng ta trở thành những người phá hoại đạo pháp.
Ngoài tinh thần tự giác trong tu tập, chúng ta cần phải có ý thức trách nhiệm con đường mình đang đi, xác định lý tưởng hoằng pháp của mình là vì sự an lạc của gia đình mình, vì sự trường tồn của chánh pháp. Phải xác định mục tiêu của mình trong các Phật sự của đạo tràng là làm cho Phật pháp trường tồn, đó mới là tinh thần hộ pháp thật sự. Theo Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật khen ngợi Tỳ-xá-khư là một trong 2 người Phật tử tại gia đứng đầu trong hộ trì Tam bảo. Theo Túc Sanh truyện, trong tiền kiếp bà Tỳ-xá-khư đều phát tâm ủng hộ và lắng nghe giáo pháp từ bất cứ vị Tăng Ni nào có nhân duyên được gặp. Do vậy, bà sinh ra được gặp Đức Phật và là người phụ nữ mẫu mực hộ trì chánh pháp. Bà có thể cảm hóa cả gia đình nhà chồng vốn là ngoại đạo theo Phật giáo, và một việc làm hy hữu là xây dựng tịnh xá Đông Phương – nơi Đức Phật và Tăng đoàn lưu trú vào mùa an cư. Cả 4 chúng đệ tử (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắt, Ưu-bà-di) đều có chung mục tiêu tối hậu là giải thoát giác ngộ. Bản thân mình đã giác ngộ thì mới đem Phật pháp đến mọi người, đó là Phật hóa gia đình – thật sự là đời sống mô phạm của người Phật tử tại gia.