Nghi lễ tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của Lễ hội Phật đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau.
Xem thêm:
Muốn thấy Phật, phải trút bỏ phàm tình
Nghĩ về Tứ nhiếp pháp trong đời sống, tu học
Tam qui trong đạo Phật
Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo khắp nơi như một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm.
Nguồn gốc của Nghi lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.
Sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III), lời mở đầu của bản chú giải truyện Bổn Sanh (Nidānakatha). Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại như trên.
Riêng kinh Phổ diệu thì ghi lại rằng lúc ấy từ trên hư không có chín con rồng phun nước xuống để tắm cho thái tử. Căn cứ vào các tác phẩm này, các nghệ nhân Phật giáo đã mô tả lại cảnh Đản sanh của thái tử với rồng phun nước trong nhiều tác phẩm điêu khắc tại Lộc Uyển phía Bắc Ấn và Amarāvatī tại Nam Ấn. Một tác phẩm thuộc trường phái Gandhara được lưu giữ tại bảo tàng Peshawar (Pakistan) mô tả cảnh hai cung nữ đứng hầu bên thái tử, bên trên có trời Đế Thích và Phạm Thiên rưới nước từ cành hoa sen để tắm cho thái tử, hai bên thái tử lại có bốn vị chư thiên đang cung kính chiêm ngưỡng.
Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý cõi trời nâng thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử. Có lẽ chính sự cung kính của chư thiên đối với sự kiện Đản sanh của thái tử được mô tả trong bản kinh này đã tạo nguồn cảm hứng để về sau trong mùa Phật đản, người Phật tử thường tôn trí tượng Đản sanh trong một bồn hay thau sạch và quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó trang nghiêm, dùng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm Phật nhằm tưởng nhớ đến ân đứccủa Đức Phật và bày tỏ niềm tôn kính sâu xa đối với Ngài.
Là một lễ nghi có từ lâu đời và là phần thiết yếu của lễ hội Phật đản, nghi lễ tắm Phật xuất hiện rất phổ biến trong các nước Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. Riêng tại Việt Nam, lễ nghi này thường được tổ chức vào các ngày khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ngày mùng tám tháng Tư, trong dịp Lễ Phật đản mỗi năm.